Hãy vẽ lên giấc mơ của mình và có kế hoạch theo đuổi giấc mơ đó

Bài gốc từ Blog của thầy Tuấn Nguyễn, ĐH CNTT. http://tuanubicom.blogspot.com

0
2052

Có thể nói, trong hầu hết các quyển sách phát triển bản thân, tạo động lực hay những chia sẻ của những người thành đạt, họ đều có nói đến việc muốn thành công, phải xác định mục tiêu của mình, viết xuống giấy, và ghi nhớ nó. Ngoài ra, ông Andrew Carnegie [1,2] còn thêm một vế nữa đó là ngoài mục tiêu mình muốn đạt được, thì hãy viết một cột nữa về những điều mình muốn cho đi. Quan trọng hơn hết đó là  có kế hoạch thực hiện giấc mơ đó.

Thật vậy, bạn không thể thành công, nếu không biết đích đến cuối cùng của mình là gì? Mình muốn đạt được cái gì trong cuộc đời thì làm sao bạn có thể thành công  được? Có rất nhiều dạng thành công trong cuộc sống, và mỗi giai đoạn trong cuộc đời có những thành công khác nhau. Đừng so sánh thành công của người này với người khác hay là copy y chang để làm mục tiêu phấn đấu của mình. Điều đó sẽ dẫn đến 1 hậu quả tai hại như trong bài thơ của Chế Lan Viên [3].
“Giấc mơ con đè nát cuộc đời con!”

1. Công thức của sự thành công

Gần đây, báo chí đưa tin về sự thành công của các công ty startups trong lĩnh vực công nghệ hay sự giàu lên của nhiều cá nhân. Và có vẻ như các bạn trẻ đang cuống cuồng chạy theo sự định hướng đó với hy vọng sẽ thành công như họ mà quên là xuất phát điểm của mỗi người khác nhau, cách tiếp cận vấn đề khác nhau và quan trọng là những nỗ lực mà họ đã bỏ ra để có được thành công đó. Quan trọng hơn hết, là trong cuộc sống có rất nhiều thành công khác nhau và mỗi người, mỗi bạn sinh viên tự thiết lập mục tiêu, phấn đấu để đạt được thế là  thành công  rồi.

Nếu một đứa bé 12 tháng tuổi biết đi chập chững, đó là một thành công không chỉ của chính em bé, mà đó cũng là thành công của ba mẹ. Là một học sinh, học một biết 10 đó là thành công của thầy cô giáo. Là một sinh viên, biết chủ động học tập, sáng tạo, có bài báo NCKH được trình bày ở hội nghị trong nước hoặc quốc tế thì đó cũng là một thành công. Một người thầy đào tạo được nhiều học trò giỏi, có ích cho xã hội đó cũng là một thành công. Học trò trở thành những người đóng vai trò trọng yếu trong doanh nghiệp thì đó cũng là thành công của nhà trường và giáo viên. Sự thành công là muôn hình vạn trạng, bạn không cần phải so sánh tình trạng hiện nay của bạn với thành công của  người khác.

2. Hãy viết ra giấc mơ của bạn và lập kế hoạch để thực hiện nó

Tại sao phải viết nên giấc mơ của mình? Trước tiên, bạn phải biết bạn muốn gì, mơ ước được gì trong một giai đoạn, hay trong suốt cuộc đời mình. Giấc mơ càng cụ thể đến đâu, càng dễ thực hiện đến đó. Việc viết ra giúp bạn ghi nhớ và định hình trong tiềm thức. Một khi bạn đã ghi sâu vào tiềm thức mục tiêu của mình thì mọi hành động, suy nghĩ và quyết định của mình sẽ hoạt động với ưu tiên cao nhất sao cho bạn đạt được mục tiêu. Hãy tìm đọc thêm quển sách của Joseph Murphy về Sức mạnh của tiềm thức [4].

Việc viết ra giấc mơ hay mong muốn của mình giúp chúng ta tập trung hơn, loại bỏ được những gì không liên quan hoặc gây phân tán nguồn lực. Mỗi người chúng ta đều có hữu hạn thời gian, sức lực không thể làm nhiều thứ cùng một lúc. Nếu việc gì làm đi ngược lại  hoặc làm chậm mục tiêu của mình thì không nên để bị phân tán vào nó.

Một khi bạn đã thiết lập được giấc mơ, hiện thực hóa thành mục tiêu phấn đấu của mình thì hãy viết ra kế hoạch phấn đấu để đạt được mục tiêu đó. Một mục tiêu phấn đấu mà không có kế hoạch thực hiện thì sẽ không bao giờ thành hiện thực được, nó vẫn sẽ chỉ mãi là giấc mơ. Trong rất nhiều sách phát triển bản thân đều chỉ cặn kẽ các bạn phải làm điều đó như thế nào. Trong bài viết này không có đủ thời gian để trình bày chi tiết. Một số quyển sách để các bạn tìm đọc thêm như: 7 Thói Quen Người Thành Đạt, Làm Chủ Tư Duy, Thay Đổi Vận Mệnh.

Điều tôi đặc biệt kính trọng ông Andrew Carnegie đó là trong nguyên tắc thành công của ông còn có 1 cột nữa đó là cho đi và thể hiện lòng biết ơn đối với những gì ta đã nhận được. Ông là tác giả của bài báo “The gospel of Wealth”, Phúc âm của sự giàu có [2]. Ông khuyên những người thuộc tầng lớp trên, giàu lên nhờ sự nỗ lực của bản thân hãy có trách nhiệm với xã hội. Hãy xóa khoảng cách giàu nghèo một cách bất bình đẳng bằng việc chia lại của cải, hay sự giàu có của mình bằng một cách có trách nhiệm và suy nghĩ chính chắn. Cụ thể là ông đã dùng tiền của mình xây dựng rất nhiều thư viện sách cho trẻ em. Năm 1900, ông đóng góp 1 triệu USD để xây trường Carnegie Institute of Technology, sau này trường kết hợp với Mellon College thành trường Carnegie Mellon University (CMU) nổi tiếng ngày nay.

Tạm ghi thành một công thức thành công như sau:

Thành công = (Mục tiêu cần đạt được + Sự cho đi) * Kế hoạch hành động 

Thành công = ( A + B ) * C

  1. Hãy hiện thực hóa công thức của thành công

    Nãy giờ cũng toàn là lý thuyết, sách vở, thế thì ta áp dụng nó như thế nào? Tôi tạm lấy ví dụ là một bạn sinh viên năm 1 Khoa MMT&TT, trường ĐH CNTT. Theo công thức trên, ta có

    A) Mục tiêu cần đạt được: Trong 10 năm nữa, tôi muốn trở thành một chuyên gia mạng máy tính hoặc một chuyên gia phần mềm mạng, phát triển ứng dụng trên di động làm việc trong một môi trường quốc tế với mức thu nhập cao.

    B) Sự cho đi: sự cho đi đây không nhất thiết phải là tiền bạc, của cải vật chất. Các bạn có thể cho đi thời gian của mình để giúp đỡ người khác đã là đóng góp rất lớn rồi. Bạn tham gia các phong trào tình nguyện, giúp đỡ người khó khăn, tàn tật, làm việc thiện nguyện với tâm trong sáng cũng là sự cho đi đáng trân trọng. Ngoài ra, bạn xây dựng được một nhóm học tập tốt, sẵn sàng giúp đỡ các bạn trong chuyên môn mà mình giỏi thì điều đó cũng đáng quý.

    C) Kế hoạch hành động:
    Một khi đã có mục tiêu, bạn cần phải lên kế hoạch để thực hiện mục tiêu đó.
    “Trong 10 năm nữa, tôi muốn trở thành một chuyên gia mạng máy tính hoặc một chuyên gia phần mềm mạng, phát triển ứng dụng trên di động làm việc trong một môi trường quốc tế với mức thu nhập cao”
    Xét về khoảng thời gian: 10 năm là 1 chặng đường dài, có thể bạn chưa rõ lắm, nhưng hãy chia nhỏ ra ½ bạn sẽ thấy được hướng đi cụ thể hơn:

    Giai đoạn 1: 5 năm đầu: đây là khoảng thời gian bạn hoàn tất chương trình đại học của mình. Bạn cần phải học tốt các môn chuyên ngành, môn cơ sở ngành và tốt nghiệp đúng thời hạn:
    Các môn cơ sở ngành cần phải học tốt trước khi đi sang các công nghệ hấp dẫn khác. Nó là nền tảng quan trọng để các bạn tiến xa hơn: Nhập môn lập trình, nhập môn mạch số, kiến trúc máy tính, hệ điều hành, nhập môn mạng máy tính, Cơ sở dữ liệu, cấu trúc dữ liệu và giải thuật, lý thuyết ngôn ngữ lập trình, lập trình hệ thống. Đồng thời bạn phải tham gia CLB đội nhóm, rèn luyện kỹ năng mềm và ngoại ngữ

    Giai đoạn 2: 5 năm tiếp theo: đây là thời gian bạn đi làm tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện để thành chuyên gia. Điều này là hoàn toàn có thể, vì theo tác giả Malcolm Gladwell, một người có thể đạt trình độ chuyên gia nếu rèn luyện trong vòng 10,000 giờ, tương đương tuần làm việc 40h trong 5 năm [5].

    Một chút về ngoại ngữ: Hiện nay, việc hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu không thể đứng ngoài. Hơn thế nữa, các bạn phải đạt chuẩn ngoại ngữ mới được tốt nghiệp [6]. Tuy nhiên cần phải có 1 mục tiêu cụ thể, đừng chung chung bằng 1 chữ “tốt”. Ví dụ English: TOEFT 600, IELTS 6.0++, hay Pháp: B2,C1; hay Nhật: N3, N2. Mục tiêu ở đây có thể cao hơn so với chuẩn đầu ra của nhà trường [6], nhưng nếu bạn đặt mục tiêu thấp quá, có khi kết quả còn thấp hơn nữa.

    Chúng ta hay bị giằng xé giữa việc đi làm kiếm tiền và xây dựng sự nghiệp. Có thể mỗi người mỗi khác, nhưng đừng đeo đuổi việc kiếm tiền ngay từ đầu hãy luôn tâm niệm rằng tiền bạn sẽ đến như là phần thưởng cho sự nỗ lực cố gắng phục vụ. Bạn càng phục vụ được nhiều người, bạn sẽ càng giàu có. Ngoài ra, không phải sự giàu có nào cũng được đo bằng tiền cả

    Kế hoạch chi tiết 

    Khi đã phân rã được mục tiêu thành 2 giai đoạn, ta sẽ lên kế hoạch để đạt được mục tiêu
    Giai đoạn 1: Tích lũy tri thức, rèn luyện bản thân, chuẩn bị thể lực và kỹ năng mềm.

STT Nội dung Hành động Nguồn lực bổ sung Sự cho đi
1 Học giỏi môn lập trình

 

(các môn khác tương tự, và cần có sự trợ giúp của thầy cô, đàn anh đi trước)

Đọc sách, làm bài tập, nghe giảng, học ở bạn bè

Thực tập ở các cty phần mềm

Hỏi đàn anh khóa trên, xin tài liệu, đề thi cũ để biết cách học và thi ra sao.

– kết bạn với người giỏi hơn mình

– Nhờ sự giúp đỡ, tư vấn của thầy cô, giáo viên chủ nhiệm

Giúp được 3 bạn trong cùng học kỳ cùng học giỏi lên như mình
2 Rèn thể lực Chơi bóng bàn/cầu lông/bóng đá,… Lập/tham gia nhóm cùng chơi Kết nạp được ít nhất 3 thành viên mới cho nhóm
3 Rèn ngoại ngữ Học trong trường, học ở trung tâm ngoại ngữ, học online Tham gia CLB Tham gia diễn thuyết, thuyết trình bằng ngoại ngữ ít nhất 3 lần trong năm.

Giai đoạn 2: Đây là giai đoạn các bạn tích lũy kinh nghiệm để thành chuyên gia. Hãy nhớ mục tiêu 10,000 giờ kinh nghiệm.

Lưu ý, bảng 2 cũng chỉ là phác thảo cơ bản, các bạn cần phải chi tiết hơn cho kế hoạch của riêng mình .

Các bạn luôn tâm niệm là ta đi làm để “xây dựng sự nghiệp chứ không phải chỉ để có việc làm”. Khái niệm “việc nhẹ lương cao” không được đặt vào kế hoạch của mình. Sinh viên CNTT ngày nay hiếm có chuyện thất nghiệp, cho nên các bạn phải lựa chọn công ty để làm việc, chứ đừng nhắm mắt chọn đại cty nào cũng được, miễn là họ nhận mình. Vì sao vậy ?

Trong thời đại ngày nay, hiếm có 1 người chỉ làm việc suốt đời ở một công ty. Con người luôn cần sự thay đổi. Công nghệ cũng thay đổi không ngừng, nhưng những kỹ năng và kiến thức nền tảng vẫn luôn vững bền. Bạn hãy không ngừng học hỏi, rèn luyện để sống sót với sự thay đổi đó. Giả sử bạn lãnh lương 10 triệu/tháng mà công việc chính chẳng liên quan đến cái mình học và chỉ cần làm trong 2h/ngày, và sau đó là chơi game, lướt web. Thì sau 6 tháng, kỹ năng và kiến thức của bạn sẽ bị reset về gần mức 0. Lập trình là một kỹ năng, cần phải rèn luyện liên tục. Não của chúng ta cũng cần rèn luyện, nếu không rèn luyện hằng ngày thì tư duy sẽ kém nhạy bén hơn.

Nếu bạn chọn vào 1 công ty có quy trình tốt, có nhiều người giỏi cùng làm việc và có những project khó, chỉ cần sau 1 năm bạn sẽ học được rất nhiều kể cả chuyên môn và kỹ năng. Tôi đã từng gặp các sinh viên của tôi sau khi đi làm ở cty sử dụng Tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong giao tiếp thì thấy Tiếng Anh của các bạn ấy bất ngờ thay đổi, giao tiếp tự tin và trôi chảy hơn rất nhiều.

Hãy nhớ rằng, ta xây dựng sự nghiệp, chứ không phải cần việc để làm. Tôi tin rằng, khi các bạn đã lập trình suy nghĩ của mình như vậy rồi, các bạn sẽ thấy vô số công ty xứng đáng để ta vào làm việc. Và chỉ sau 5 năm thôi, lúc đó tư thế của các bạn sẽ khác hẳn.

4. Thay lời kết 

Từ nhỏ, tôi đã có giấc mơ được đi du lịch, chu du đây đó các bạn à. Khi vào phổ thông trung học, được xem các phim nước ngoài nói về đời sống sinh viên, dù biết có hư cấu, nhưng tôi cũng ước ao được du học. Điều kiện tài chính lúc đó không cho phép, nhưng tôi vẫn không ngừng rèn luyện, cố gắng. 6 tháng sau khi tốt nghiệp CH xong, tôi đã có chứng chỉ IELTS 6.5, một điểm số không cao nhưng đủ để các trường ĐH nước ngoài chấp nhận. Và lúc đó công cuộc săn HB du học bắt đầu và cuối cùng tôi cũng đã đạt được.

Do đó, việc bị hạn chế về tài chính chỉ là 1 vấn đề rất nhỏ trong việc hiện thực giấc mơ của mình các bạn à. Một khi bạn đã thiết lập mục tiêu bạn sẽ thấy rất nhiều giải pháp cho nó. Ví dụ: du học thì cần nhiều tiền, tiền ở đâu ra? Từ gia đình, từ các nguồn học bổng? Làm sao có học bổng? Cũng từ chính kết quả học tập tốt và khả năng ngoại ngữ của mình mà thôi! Mọi việc đều xuất phát từ chính bản thân mình. Các yếu tố bên ngoài sẽ là trợ duyên cho các bạn, khi đủ duyên thì sẽ thành!

Tôi may mắn đã chọn được mục tiêu để phấn đấu trong nghề nghiệp của mình đó là luôn trau dồi kiến thức và dìu dắt sinh viên trong cuộc tìm kiếm tri thức. Công việc giảng dạy ở thời nào cũng vậy, cho lứa tuổi nào cũng vậy, đều là những việc nặng nhọc, luôn đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nhau. Người thầy giáo đôi khi cũng là diễn viên, là bảo mẫu, là người làm gương,  và làm bạn đồng hành.

Kế hoạch hành động của tôi luôn xoay quanh việc làm sao chuyển tải được những kiến thức phức tạp của ngành CNTT, đặc biệt là việc lập trình cho các bạn sinh viên dễ hiểu nhất và làm được nhiều điều khó hơn mà tôi không làm được. Giới thiệu được sinh viên đi học đi làm ở những môi trường quốc tế.

Đó cũng chính là lý do tại sao tôi thường đi đây đó, đi nước này nước kia. Những nơi tôi đến không phải là chỗ ăn chơi, danh lam thắng cảnh, mà chủ yếu là thăm các trường đại học, gặp gỡ những giáo sư đầu ngành để học hỏi và tạo mối quan hệ để tìm kiếm cơ hội học bổng đưa về cho sinh viên. Đó cũng chính là sự cho đi mà tôi mong muốn cho đi càng nhiều càng tốt.

Tôi cũng cảm thấy ấm áp mỗi khi nhận được email của các bạn sinh viên của mình báo là em đã được trường này nhận học, giáo sư kia nhận vào lab. Tôi xem thành công của các bạn sinh viên là thành công và niềm vui của tôi, cho nên có thể nói, tôi luôn có những niềm vui bất tận.

Tóm lại, các bạn sinh viên hãy xây dựng mục tiêu và thiết lập kế hoạch cho cuộc đời mình, kế hoạch sơ sài ngay bây giờ cũng được vì nó vẫn tốt hơn nhiều so với không có kế hoạch gì cả. Chúng ta sẽ hoàn thiện nó dần dần vì khi bạn làm theo kế hoạch, nhiều cơ hội sẽ mở ra mà chúng ta không hình dung hết ngay từ đầu. Đặc biệt, “lực hấp dẫn” của mục tiêu sẽ giúp các bạn thu hút được các cơ hội về phía mình. Thành công ở một khía cạnh nào đó có thể lập trình được.

Thành công = (Mục tiêu cần đạt được + Sự cho đi) * Kế hoạch hành động 

Chúng ta lập trình ra rất nhiều ứng dụng, chúng ta lên kế hoạch ăn chơi cho rất nhiều sự kiện thế thì không có lý gì chúng ta không lập kế hoạch cho cuộc đời mình! Tôi rất vui khi được chia sẻ thành công với các bạn.

  1. Tài liệu tham khảo & đọc thêm
    [1] Andrew Carnegie, https://en.wikipedia.org/wiki/Andrew_Carnegie
    [2] Andrew Carnegie, Phúc Âm Của Sự Giàu Có,
    [3] Chế Lan Viên, Người đi tìm hình của nước, http://www.vietnamsingle.com/p_tho.asp?BID=2155
    [4] Joseph Murphy, Sức mạnh tiềm thức,  http://www.sucmanhtiemthuc.com/nhung-y-can-nho
    [5] Malcolm Gladwell, 10,000 hours of practice http://www.wisdomgroup.com/blog/10000-hours-of-practice
    [6] Chuẩn đầu ra ngoại ngữ tại ĐH CNTT, có cả Tiếng Anh, Pháp và Nhật, https://daa.uit.edu.vn/thongbao/thong-bao-ve-chuan-dau-ra-ngoai-ngu-ap-dung-cho-he-dai-hoc-chinh-quy-tu-khoa-2016-ve-sau

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.